Tóm tắt nội dung Ngọn nến Hoàng cung

Truyện phim đặt trong bối cảnh Việt Nam đầy biến động từ thời điểm Nhật đảo chính Pháp đến khi chính thể Quốc gia Việt Nam cáo chung, hầu hết các tình tiết đều xoay quanh Hoàng đế Bảo Đại.

Phần 1: Hoàng đế thoái vị

Trong lúc hoàng đế Bảo Đại bận đi săn cũng mĩ nữ Thanh YếnBan Mê Thuột thì diễn ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp. Ngài lập tức bị phía Nhật ép lập nội các thân Nhật, trong triều lập tức chia phe: Cánh Đặng Huỳnh - Duy Thanh ủng hộ, trong khi một số đại thần và cựu đại thần mưu đưa các vị Trần Trọng Kim - Ngô Đình Diệm trở lại chấp chính. Nội trị còn ngổn ngang thì Nhật đầu hàng Đồng Minh, khắp nơi Việt Minh nổi dậy chiếm quyền.

Ở thế chẳng đặng đừng, hoàng đế Bảo Đại phải thảo chiếu thoái vị, vội vã ra Hà Nội nhậm chức cố vấn chính phủ lâm thời, còn Nam Phương hoàng hậu dự Tuần lễ Vàng. Trong thời gian lưu trú tại Sầm Sơn, ngài cố vấn bị các phái quốc gia chèo kéo bằng tiềngái, còn chính phủ Pháp cũng thông qua mật thám Cousseau thăm dò để chuẩn bị nhảy vào Việt Nam.

Trong dịp theo ngoại giao đoàn sang Hồng Kông, cựu hoàng bèn ở lại với tư cách tị nạn chính trị, lên mặt báo tuyên bố li khai chính phủ Việt Minh.

Phần 2: Quốc trưởng hồi loan

Cựu hoàng phải mang phận lưu vong hàng năm trời, bị cảnh sát Hồng Kông tống giam vì lưu trú trái phép, nhưng được Cousseau cứu ra và ở tại một dinh thự rất sang gần biển. Đám quốc gia gồm Nguyễn Tường, Nguyễn Hải, Vũ Khanh lại sang cầu cạnh, từ quốc nội cũng có Phan Bảo qua thỉnh nguyện.

Rốt cuộc, cựu hoàng chấp thuận hồi loan với danh hiệu quốc trưởng chính phủ trung ương lâm thời, đem hết vợ con vào Đà Lạt lập đế đô. Trong khi đó, Việt Minh tăng cường phá rối trị an nhằm gây hoang mang trong Việt binh đoàn. Đức quốc trưởng phải đứng ra điều đình mâu thuẫn giữa các quan chức và phi tần, trong lúc quyền hành thực tế vẫn là những tay du đãng cộm cán như Bảy Viễn, Năm Lửa, Ba Cụt.

Phân 3: Tổng thống đăng cơ

Phần kết trong kịch bản vốn được dự định sẽ chiếm 1/5 thời lượng phim, tuy nhiên khi ra đến trường quay thì đã được hiệu đính viên và đạo diễn nhất quán lược bỏ, thay bằng bức thơ Nam Phương hoàng hậu gửi quốc trưởng Bảo Đại trước lúc bà lâm chung:

Quốc Trưởng của em !
Trong số những kỉ vật của Ngài giao em cất giữ, em tình cờ đọc được bức điện ngắn của Cụ Hồ gởi sang cho Ngài ở Trùng Khánh hồi năm '46 (1946). Ngài nhớ lại đi, có phải Ngài đã đọc bức điện ấy bằng con mắt của bậc đế-vương vừa mất ngai vàng, nên đã vội ngộ-nhận rằng: Cụ Hồ muốn đẩy Ngài đi xa hẳn đất-nước.
Ôi lạy Chúa ! Nếu Chúa cho lời phán xét thì Chúa cũng quyết rằng: Ngài đã sai-lầm.
Còn em theo lời dạy của cổ nhân, em không đọc chữ mà em đọc ở cái khoảng không giữa hai dòng chữ.
Hà Nội năm '46 (1946) như cơn lốc triền miên với đủ thế lực quay cuồng điên-đảo, và em hiểu rằng, Ngài sẽ không đủ bản-lĩnh để đứng vững qua cơn bão ấy.
Chính vì thế mà Cụ Hồ đã giao cho Ngài công-việc ngoại-giao ở bên ngoài. Em chép lại nguyên văn lời bức điện:
Ngài sẽ rất có ích cho chúng tôi nếu ở lại bên Tàu. Đừng lo ngại gì cả, khi nào sự trở về của Ngài là cần thiết, tôi sẽ báo sau. Xin Ngài cứ tịnh dưỡng để sẵn-sàng cho công-tác mới. Ôm hôn thắm thiết: Hồ-chí-Minh.
Rõ-ràng là một bức điện giao nhiệm vụ. Cả đến năm '47 (1947), Cụ Hồ còn cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mang mấy chục lượng vàng qua tận Hồng Kông để tiếp tế cho Ngài.
Em nhắc lại chuyện cũ để chỉ muốn nói rằng: trong cuộc đời có khi ta gặp một người và người ấy sẽ làm thay đổi hẳn cuộc đời ta mà hàng vạn người trước đó chỉ bằng không. Năm '45 (1945) Ngài đã may-mắn gặp được một người như vậy. Nhưng tiếc thay !